Từ 11/6/2012, theo quyết định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), trần lãi suất huy động sẽ hạ xuống 9%/năm. Mức lạm phát thấp, tổng cầu giảm là yếu tố khiến NHNN một lần nữa nới lỏng chính sách tiền tệ.
Tuy nhiên, dường như tín hiệu tích cực này chưa giúp giới đầu tư chứng khoán an tâm hơn vào triển vọng tăng trưởng của thị trường trong 6 tháng cuối năm.
Trần lãi suất huy động được điều chỉnh giảm xuống 9%/năm kể từ ngày 11/6/2011. Như vậy, trong vòng 3 tháng qua, trần lãi suất đã được điều chỉnh giảm mức 5%/năm. Ngay lập tức, nhiều CTCK đã đưa ra những nhận định về quyết định mới trong chính sách điều hành của NHNN. CTCK MB đánh giá: “Đây có thể là lần hạ lãi suất cuối cùng trong năm nay của NHNN, trong bối cảnh lạm phát nhiều khả năng sẽ tạo đáy trong 2 tháng tới”.
Tăng trưởng kinh tế dự báo sẽ tích cực hơn
Theo CTCK ACBS, việc NHNN giảm trần lãi suất huy động khá nhanh, mức 3%/năm trong vòng chưa đến 2 tuần, chủ yếu là do lạm phát đã giảm mạnh và thanh khoản hệ thống ngân hàng được cải thiện. Theo ACBS, lạm phát tính theo năm chỉ còn 8,34% trong tháng 5 và có thể chỉ còn khoảng 6,6% trong tháng 6. Như vậy, giảm lãi suất tiền gửi xuống 9%/năm vẫn đảm bảo lãi suất thực dương. Về thanh khoản của hệ thống ngân hàng, theo số liệu của ACBS, tỷ lệ cho vay/huy động của hệ thống ngân hàng hiện tại đã giảm xuống mức 97% từ mức 102% vào thời điểm cuối năm 2011. Điều này là cơ sở quan trọng để lãi suất huy động có thể giảm thực sự và ổn định.
Các chuyên gia của ACBS nhận định, việc giảm lãi suất sẽ tác động tích cực đến kinh tế Việt Nam trong 6 tháng cuối năm theo 3 hướng. Thứ nhất, sẽ giảm chi phí đầu vào của DN, qua đó giảm giá thành sản phẩm. Thứ hai, chi phí lãi vay giảm sẽ kích thích tăng trưởng tín dụng và đầu tư của nền kinh tế. Thứ ba, lãi suất huy động giảm sẽ kích thích người dân tiêu dùng và làm tăng tổng cầu, cũng như giúp DN giải phóng hàng tồn kho. Do vậy, tăng trưởng kinh tế 6 tháng cuối năm dự kiến sẽ tích cực hơn nhiều so với 6 tháng đầu năm.
Giảm 1% lãi suất đem lại 3.000 tỷ đồng lợi nhuận
Cũng theo ACBS, việc giảm lãi suất sẽ tác động tích cực đến TTCK Việt Nam nếu xét trên 2 khía cạnh: kết quả kinh doanh của DN và chi phí cơ hội của nhà đầu tư. Về phía DN, tổng vay ngắn hạn và dài hạn của các DN niêm yết tới thời điểm cuối quý I/2012 lên đến 300.000 tỷ đồng, nên việc giảm mức 1%/năm lãi suất cho vay có thể giúp tăng lợi nhuận của các DN niêm yết đến 3.000 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, do lãi suất cho vay giảm chậm hơn lãi suất huy động, nên tác động của việc giảm lãi suất đến kết quả kinh doanh của DN chỉ được thể hiện rõ trong báo cáo cuối năm. Về phía nhà đầu tư, kênh đầu tư gửi tiền sẽ trở nên kém hấp dẫn hơn vào thời điểm hiện tại.
Cùng quan điểm, CTCK Bảo Việt (BVSC) cho rằng, cần thêm thời gian để kiểm chứng hiệu quả. Các chuyên gia của BVSC đánh giá, trong những ngày tới, bên cạnh việc điều chỉnh hạ trần lãi suất huy động, rất có thể, NHNN sẽ tiếp tục điều chỉnh lãi suất tín dụng cho vay, đồng thời nới rộng đối tượng được hưởng lợi từ động thái này.
Tuy nhiên, những “gói giải pháp” này cần thêm thời gian để được kiểm chứng mức độ hiệu quả trên thực tế, khi vẫn còn tồn tại một “khoảng cách” không dễ xóa bỏ, ít nhất là trong ngắn hạn, giữa các ngân hàng và hệ thống DN cần vốn.
Việc điều chỉnh lãi suất mới chỉ mang tính danh nghĩa và là biện pháp hành chính, chứ chưa đồng nghĩa với việc vốn rẻ sẽ được “bơm” ra nền kinh tế một cách suôn sẻ, như kỳ vọng của DN và các nhà điều hành.
Ở khía cạnh khác, CTCK Vietcombank (VCBS) bày tỏ quan ngại về việc hạ trần lãi suất quá nhanh có thể khiến áp lực lạm phát cao quay trở lại vào cuối năm. Chuyên gia phân tích của VCBS cho rằng, lúc này thị trường cần thêm số liệu cụ thể về sự cải thiện của kinh tế vĩ mô, đặc biệt là tăng trưởng. Trong dài hạn, với các dấu hiệu vĩ mô và đánh giá chuyên biệt, VCBS cho rằng, giải ngân từ từ ở mức giá thấp và tôn trọng kỷ luật mua là giải pháp hợp lý. Bối cảnh hiện tại khá phù hợp với giao dịch trong khoảng giá định trước. Trong mọi trường hợp, VCBS vẫn kiến nghị duy trì tỷ trọng tiền mặt cao.
Theo khảo sát của ĐTCK, đa số chuyên gia phân tích đều kỳ vọng, Chính phủ và NHNN sẽ tiếp tục điều hành nền kinh tế theo hướng ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô. Theo đó, ít có khả năng lãi suất huy động sẽ tiếp tục giảm, do NHNN cũng phải đảm bảo ổn định tỷ giá. Cũng theo nhiều chuyên gia, việc tái cấu trúc DNNN và hệ thống ngân hàng sẽ là ưu tiên hàng đầu của Chính phủ và NHNN trong thời gian tới.