Ông Tô Hải, Tổng giám đốc CTCK Bản Việt cho rằng, từ vụ Sacombank, kịch bản bị săn đuổi có thể xảy ra với bất cứ công ty nào.
Ngày cập nhật : Thứ Ba, 12 Tháng Sáu 2012 14:09:20
Ông Hải nói:
Trên cương vị là nhà tư vấn M&A đã thực hiện nhiều thương vụ thâu tóm, sáp nhập gần đây, Bản Việt nhận được khá nhiều đề nghị liên quan đến cả hoạt động thâu tóm và chống thâu tóm. Trong đó, số lượng đề nghị tư vấn chống thâu tóm nhiều hơn hẳn thâu tóm. Điều này cho thấy, tâm lý e ngại và phòng thủ đang đè nặng lên giới lãnh đạo DN Việt Nam.
Đặt trong bối cảnh một nhóm liên minh các NĐT vừa qua kiểm soát thành công một ngân hàng lớn như Sacombank thì kịch bản nằm lọt tầm ngắm và bị săn đuổi có thể xảy ra với bất cứ công ty nào. Sự dè chừng, cảnh giác của giới lãnh đạo DN, đặc biệt các công ty có nguồn gốc gia đình, không hẳn vô lý.
Trong hoạt động thâu tóm, đứng trên mỗi góc độ, sẽ có cách nhìn nhận và đánh giá vấn đề khác nhau, thậm chí đối lập. Tuy nhiên, cả phía người đi thâu tóm và đối tượng bị thâu tóm thường tự tin có thể giúp công ty phát triển tốt nhất. Nếu nhìn nhận hoạt động thâu tóm rộng hơn như góc độ xã hội có thể thấy, hoạt động thâu tóm nên khuyến khích khi gián tiếp đưa tư liệu sản xuất tới tay những người có khả năng khai thác và tận dụng tốt nhất. Có chăng về mặt pháp lý, tôi nghĩ, khi xây dựng hành lang cho hoạt động M&A, cơ quan hoạch định chính sách cần lưu tâm vấn đề đảm bảo quyền lợi của các cổ đông nhỏ trong các công ty liên quan, để không bị cổ đông lớn lấn lướt.
Trong hoạt động thâu tóm tại TTCK Việt Nam, động cơ của bên mua thường hướng vào một số mục tiêu chính, như M&A để gia tăng hoạt động của công ty mục tiêu sau khi thâu tóm, M&A để tích hợp chuỗi giá trị hay mở rộng kinh doanh, bảo vệ thị phần, mua tài sản giá rẻ. Riêng mục tiêu thâu tóm tài sản giá rẻ để bán lại là rất đáng lo ngại, không nên khuyến khích.
Còn ở khía cạnh chống thâu tóm, thì một số giải pháp mang tính kinh điển như mua cổ phiếu quỹ lại thực sự không hiệu quả tại TTCK Việt Nam, do các quy định hiện nay khiến bên chống thâu tóm khó đạt mục tiêu giảm số cổ phần lưu hành và làm tăng giá cổ phiếu sở hữu.
Một điều lý thú khác trong thực tiễn liên quan đến việc chống thâu tóm là sử dụng “tin đồn”. Tuy nhiên, giải pháp này không nên lạm dụng, vì sự tháo chạy của các NĐT ăn theo sau đó có thể khiến bên mua chờ sẵn đạt được mục tiêu sở hữu số cổ phần cần thiết.